Dịch thơ: Water, is taught by thirst

Water, is taught by thirst
Land – by the Oceans passed
Transport – by throe –
Peace – by its battles told –
Love – by Memorial Mold –
Birds, by the Snow


Đây là bài tập về nhà môn văn học Mỹ. Thời còn sinh viên, mình cực thích những loại bài tập sáng tạo của cô Phương Khánh.

Một bài thơ khó dịch của Emily Dickinson, một nữ thi sĩ tài hoa nhưng đầy bí ẩn sống cách đây 2 thế kỉ lận.

Thơ của bà không dài nhưng lại giàu hình tượng và khó hiểu đến nổi đã làm nảy sinh nhiều tranh luận trên các văn đàn mỗi khi đem ra bình tán. Chỉ riêng bài thơ ở trên thôi, nghe đâu là một trong những bài dễ hiểu nhất của bà cũng đủ làm mình mất ăn mất mất ngủ cả chục năm trời (đến nổi khả năng chém gió cũng tăng lên cực đỉnh).

Có lẽ một phần vì hiểu biết nông sơ, thêm một phần nữa vì vốn tiếng Anh ngu đến sợ, nên bản thân đã phải vận dụng tới 10 thành năng lực tưởng tượng để ngẫm ra vài ngụ ý của nó, và cho đến giờ, hi vọng những điều mình chia sẻ dưới đây sẽ mang đến cho các bạn vài điều thú vị mới.


Bài thơ được đánh số 133, còn được biết đến với tiêu đề “Water, is taught by thirst“. 
– “Học hỏi từ những sai lầm, hãy làm cho cuộc sống của bạn đáng sống mà không hối tiếc”.
Đi từng câu một.

1. “Water, is taught by thirst” (Nước, được dạy bởi cơn khát)
Người ta không hiểu được nhu cầu của nước cho đến khi họ không có nó một thời gian. Do đó, cơn khát dạy chúng ta định nghĩa về nước.

2. “Land – by the Oceans passed” (Đất liền – bởi đại dương băng qua)
Những người chu du trên biển mới có thể giải thích được sự nhẹ nhõm khi đặt chân lên nền đất cứng.
Cũng có thể giải thích, những miền đất mới chỉ có thể được tìm ra sau khi con người vượt qua được biển cả mênh mông.

3. “Transport – by throe -” (Hạnh phúc – bởi khổ đau)
Từ “transport” ở đây không phải là giao thông vận tải, vì nếu diễn giải theo cách này, bạn sẽ “lái” bài thơ đi 1 hướng khác hơi bị lạ.
Nghĩa của nó, theo từ điển Anh-Việt những dòng ở dưới viết: “hoan hỉ, vui tưng bừng, mừng quýnh”, nên có thể hiểu rằng “transport” ám chỉ niềm hạnh phúc, như vậy đã đối lập với vế sau của “throe” – khổ đau.
Con người sẽ không để ý đến niềm vui cho đến khi họ trải qua những lần đau đớn.

4. “Peace – by its battles told -” (Hòa bình – bởi nó kể lại trận chiến của mình)
Người ta không thể hiểu hòa bình là gì nếu không trải qua bi kịch của chiến tranh.

5. “Love – by Memorial Mold -” (Tình yêu – bởi Đài tưởng niệm)
Vế sau của câu thơ này ám chỉ sự mất mát.
Người ta sẽ không hiểu những gì mình thật sự yêu quý cho đến khi họ để mất.

6. “Birds, by the Snow” (Những con chim, bởi Tuyết)
Câu thơ này khác biệt so với những câu trước vì không đưa ra 2 hình ảnh tương phản rõ ràng nữa, nhưng ta vẫn có thể hiểu rằng hình ảnh những con chim tượng trưng cho mùa hè, và tuyết thì thuộc về mùa đông.
Vào mùa hè, người ta ít có sự để tâm đến sự hiện diện của loài chim và âm thanh của chúng. Nhưng đến mùa đông với nền tuyết trắng rộng rãi, những chú chim trở nên nổi bật hơn và tiếng hót của chúng sẽ trở thành bản nhạc đầy lắng đọng trong những ngày im ắng.

Vậy đấy, chung quy lại, bài thơ là câu chuyện cuộc sống và bản chất của cuộc sống, con người sẽ không biết đến giá trị của những điều đang hiện hữu nếu chưa trải qua trạng thái đối cực của nó. Emily Dickinson nhắn nhủ với chúng ta rằng cần biết quý trọng những giá trị bên mình, gồm những điều tưởng chừng to lớn (nước, đất, hạnh phúc, đau khổ, hòa bình, chiến tranh, tình yêu, mất mát…) nhưng đôi khi lại vô cùng bé nhỏ bình dị (như tuyết trắng, loài chim…)

Và như đã nói trên, đây là một bài thơ khó dịch để đi hết trọn vẹn ý nghĩa, nhưng với sự yêu mến dành cho người phụ nữ ở độ tuổi 186 (Emily Dickinson sinh năm 1830), và sự yêu mến hơn nữa dành cho “cô gái” đang giảng dạy bộ môn Văn học Mỹ, mình cố gắng dịch bài thơ ra thể 5 chữ như sau:

Nước học từ cơn khát

Đất từ biển mà đi

Niềm vui là bởi vì

Ta vượt qua đau đớn.

Hòa bình kể chiến trận;

Hồi ức kể tình thân.

Những bông tuyết trắng ngần

Tô màu chim đa sắc.

Một bản dịch khác, trước bản dịch câu 5 chữ trên, mình đã liều mạng tuôn ra thể tự do và đảo trật tự câu thơ theo ý thích, đồng thời còn bổ sung vào đó những câu từ không nằm trong nguyên bản (có thể xem là bài thơ mượn ý và hình ảnh để cover lại thành bài khác). Nhân đây, xin được giới thiệu đến các bạn:

Có những chuyện càng kể lại càng đau

Niềm vui có từ những lần dằn xé.

Tôi nói em chiến tranh là những điều văn vẻ

Em bảo tôi bởi ta được bình yên rồi.

Tôi lại hỏi:

Tình yêu là gì thế?

Em đáp lại: Biết khi đã mất đi thôi,

như cơn khát nhắc ta tìm nước vội;

như đất liền chờ sóng đại dương qua;

như biển xanh có tàu đi tìm cá.

Như chim trời…

đợi những ngày tuyết rơi.


Bên dưới là lời nhận xét của cô giáo

Về bài đăng của bạn Minh Hùng: phân tích và dịch thơ Emily Dickinson:
Water, is taught by thirst
Land – by the Oceans passed
Transport – by throe –
Peace – by its battles told –
Love – by Memorial Mold –
Birds, by the Snow.

Cô có mấy ý nhận xét như vầy nè:

1. Đây là thơ Mỹ, không thuộc học phần này, nhưng cũng là nội dung học tập nên “ké” trang này cũng rất OK ?, để cho lớp mình chia sẻ các bản dịch thơ hay. Cô rất hoan nghênh bài đăng của Hùng (dài nhất, kỹ nhất) nên đã “còm” ngay rằng: “Great!”.

Do chưa có thời gian ngồi gõ dài nên cũng làm bạn Kid siêu nhạy cảm có chút buồn lòng 🙂 ?he he.

Bạn ấy đã dành rất nhiều thời gian để hiểu nguyên bản, rồi chuyển dịch và cả phóng tác. Thật tuyệt. Cô rất vui lòng vì tinh thần học tập này của bạn ấy. Cô sẽ dành 1 điểm cộng vào học phần VH Mỹ cho bạn ấy ngay và luôn 🙂???

2. Dịch thơ nước ngoài quá khó, trước hết phải hiểu kỹ nguyên bản. Bạn Hùng đã giúp cô phân tích từng câu, rất tuyệt vời. Hiểu từng từ (rất hàm súc và gợi nhiều liên tưởng) trong bài này là rất quan trọng. Hầu hết các phân tích của bạn Hùng đều chính xác.

Cô chỉ nói thêm câu thứ 6 trong bài: Câu này bạn Hùng hiểu đại ý rằng nhờ mùa đông mà sự hiện diện của chim mới trở nên nổi bật (vì nền tuyết trắng và sự im ắng làm người ta nhận ra rõ hơn SỰ CÓ MẶT của chim). Theo cô, có thể hiểu khác bạn ấy chút nè: ở phương Tây, mùa đông chim sẽ di cư đến nơi ấm áp hơn. Vì thế, khi nói Bird và Snow, câu thơ nói đến “wintertime”, thời điểm mùa đông lạnh giá. Đôi khi, người ta không để ý sự hiện diện vẻ đẹp của đàn chim khi chúng đã bay đi. Sự thiếu vắng ở đây chỉ dồn vào chữ “snow”, nhà thơ không nhắc đến summer hay winter, nhưng người đọc có thể nhận ra ý nghĩa của tiếng chim mùa hè khi tuyết trắng đã mang chúng đi xa 🙂

Bạn Hùng nghĩ sao nhỉ?

3. Bài thơ hàm chứa sự so sánh bằng cách dùng nhiều từ “by” và các cặp từ có nghĩa đối lập. Nó nhắc ta nghĩ tới điều gì? Đôi khi con người ta tìm thấy ý nghĩa của một thứ/ một điều gì đấy trong cái đối lập với nó. Biết hạnh phúc nhờ đau khổ, biết yêu thương từ sự thù hận, biết trân quý sự gần gũi trong nỗi cách xa… Và có thể, tất cả những điều tưởng chừng trái ngược ấy, thực ra đều đi liền nhau, như tốt – xấu, thương – ghét, sống – chết… vốn không hề đối lập tách rời.

4. Hai bản dịch thơ của bạn Hùng cô đều thích cả, nhưng do cách hiểu của bạn Hùng nên ý thơ ở cuối hơi chệch hướng (trong bài 5 chữ), và câu “hồi ức kể tình thân” thì thật ra chưa sát ý lắm nhỉ . Riêng bản cover thì rất ok rồi, trừ cái ý “chim trời đợi tuyết rơi” (chưa đúng với tư duy phương Tây). Dù sao vẫn rất tuyệt, cô khen và vote 5 sao 🙂. ?????Nhưng giá như mấy lỗi chính tả được chữa ngay đi thì tuyệt vời hơn nhỉ?

5. Kết luận là “cô gái” dạy văn học Mỹ (mỹ từ mà bạn Hùng dành tặng) rất mong nhận được những bài tương tự như vậy từ lớp mình nhá. Chúc lớp mình ngủ ngon, sau khi đọc các tác phẩm văn học kinh điển và tìm ra được ý tưởng cho bài viết 🙂???

Bài viết gốc: Water, is taught by thirst – Hiểu và dịch thơ – Nguyễn Minh Hùng Blog (nguyenminhhung.com)

Viết một bình luận